Đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu

14.02.2022

Đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu

Các bộ ngành cần nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành hơn nữa nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp…

Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể.
Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể.

Ngày 3/11/2022, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố “Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành”.

Đây là kết quả hợp tác tích cực trong một năm qua giữa VCCI và Tổng cục Hải quan, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Cuộc khảo sát được thực hiện với trên 3.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, gồm hai nội dung chính. Một là, khảo sát với việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (tính đến tháng 4/2022, có 12 thủ tục hành chính của 5 Bộ ngành đang được thực hiện). Hai là, khảo sát việc thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành do 10 Bộ quản lý.

Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam cho phép doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan nhà nước trên một nền tảng duy nhất, hợp lý hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Tính đến ngày 17/10/2022, cơ chế một cửa quốc gia đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 Bộ ngành kết nối, gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Có thể kể đến một số kết quả nổi bật, như nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các bộ ngành đã bước đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành ở các mức độ, hình thức khác nhau.

Nhiều bộ ngành chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nhiều thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành được điện tử hoá. Nhiều quy định chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành cũng đã được xử lý.

Tuy nhiên, tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng bên cạnh những kết quả trên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, đối với việc vận hành Cổng một cửa quốc gia, nhiều doanh nghiệp đề xuất các bộ, ngành cần thường xuyên cập nhật chính sách, quy định mới trên Cổng; cơ quan vận hành cần nâng cấp Cổng, tích hợp thêm các dịch vụ, tiện ích trên Cổng; cải thiện cách thức thu thập, xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật và những vướng mắc mà doanh nghiệp thường gặp; đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục hành chính; …

Đối với lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành, các doanh nghiệp được khảo sát kiến nghị, các bộ, ngành cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các khâu trong quy trình kiểm tra chuyên ngành, từ nộp hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu và thông báo kết quả; áp dụng đầy đủ và rộng rãi hơn nguyên tắc quản lý rủi ro để tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ tốt; giảm thiểu những điểm chồng chéo giữa các quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tiếp tục đề nghị việc triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia cần nhanh hơn và triệt để hơn để giảm tối đa các giấy tờ phải nộp, chuyển tối đa sang số hóa, tránh tình trạng doanh nghiệp vừa phải khai thông tin trên Cổng vừa phải làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng cần có cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin để tránh yêu cầu trùng lặp với các doanh nghiệp. Cần tiếp tục giảm thiểu chi phí ngoài quy định đối với các doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo.

Ông Lương Khánh Thiết, Phó trưởng ban, Ban cải cách hiện đại hoá, Tổng cục Hải quan cho biết để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan rà soát văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn vướng mắc, bất cập, gây kéo dài thời gian, tăng chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; thời hạn hoàn thành tháng 6/2023.

Bên cạnh đó, xây dựng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng: chuẩn hóa, mã hóa danh mục kèm theo mã số HS phù hợp với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; cắt giảm danh mục hàng hoá… Rà soát, thống kê hàng hóa còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành để đề xuất biện pháp xử lý.

Đối với chính cơ quan hải quan, ông Thiết cho biết sẽ nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiến tới số hóa hồ sơ, số hóa quy trình thủ tục, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo: Economy

CÁC THÔNG TIN KHÁC