Cơ chế dài hạn – chìa khóa để đàm phán thương mại Mỹ – Trung
Ngay đầu năm mới 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thông điệp lạc quan về việc thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ được ký kết tại Nhà Trắng vào ngày 15/01. Đồng thời cho biết phía Mỹ cũng sẽ đến thăm Bắc Kinh và bắt đầu đàm phán giai đoạn hai.
Các nhà phân tích nhận định rõ ràng là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn quãng đường khá xa để có thể kết thúc cuộc đàm phán thương mại và mô hình thương mại toàn cầu vẫn chưa được xác định. Khi các cuộc đàm phán đang tiến triển tạm thời, bây giờ là lúc để xem xét một thỏa thuận ngừng chiến giai đoạn một sẽ kéo dài bao lâu nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Thị trường nội địa của Trung Quốc có vẻ nhẹ nhõm ở thời điểm hiện tại, với nhiều người tin rằng Tổng thống Trump sẽ ngừng đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề thương mại, nhưng điều đó là chưa chắc chắn.
Các cuộc đàm phán thương mại đã kéo dài trong gần hai năm qua. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc hiện rất quan trọng đối với Tổng thống Trump. Chính quyền Mỹ đang thực hiện một thỏa thuận để chứng minh tính hiệu quả của các chính sách đối với cử tri. Tuy nhiên, hiệu lực của thỏa thuận giai đoạn một sẽ ngắn hơn nhiều so với dự kiến. Người ta dự đoán rằng, Tổng thống Trump sẽ bắt đầu cuộc đàm phán thương mại giai đoạn hai ngay sau khi đạt được mục tiêu thúc đẩy Trung Quốc nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump có khả năng đưa ra những yêu cầu khó khăn hơn, gần với lý do cơ bản mà Mỹ lần đầu tiên phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đó là để duy trì lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp trên thế giới.
Trong hoàn cảnh như vậy, Trung Quốc nên áp dụng thái độ nào trong các cuộc đàm phán Mỹ – Trung trong tương lai? Mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc là xây dựng cơ chế dài hạn cho trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai nước, thay vì chỉ đạt được lợi ích ngắn hạn. Nói cách khác, mục tiêu chính của Trung Quốc là sự ổn định trong mối quan hệ kinh tế và thương mại chung với Mỹ, tạo thành một khuôn khổ và cơ chế truyền thông ổn định được hai bên thống nhất. Một cơ chế thương mại dài hạn có thể trở thành yếu tố ràng buộc đối với Mỹ, ngăn chặn Washington không thể gây sức ép thất thường đối với Trung Quốc bằng cách sử dụng các vấn đề thương mại. Phản ứng trái chiều của chính quyền Tổng thống Trump đối với các cơ chế quốc tế trong thực tế đã gây ra nhiều tranh cãi ở Mỹ. Sau khi cơ chế dài hạn được thiết lập, các kháng cáo từ các công ty Mỹ và các tổ chức khác có thể được truyền đạt và thảo luận đầy đủ, hình thành các hạn chế đối với các chính sách trong tương lai của chính quyền Tổng thống Trump.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung không chỉ liên quan đến hai nước này mà còn đặt ra một câu hỏi sâu sắc hơn: Là quá trình toàn cầu hóa dựa trên quy tắc có đang ở bờ vực thất bại? Nếu Mỹ tiếp tục các hành động đơn phương, bảo hộ và đi ngược với toàn cầu hóa và đa phương, tác động đến toàn cầu hóa sẽ là thảm họa. Do đó, cả thế giới đang thận trọng theo dõi các cuộc đàm phán của hai nước. Mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc liên quan đến lợi ích của các quốc gia khác là ủng hộ chủ nghĩa đa phương thương mại và tương lai của toàn cầu hóa, do đó có thể cố gắng về một cơ chế thương mại dài hạn.
Theo Báo Công thương