Doanh nghiệp logistics: Nguy cơ “đo ván” trên sân nhà

09.03.2020

Doanh nghiệp logistics: Nguy cơ “đo ván” trên sân nhà

 /media/uploaded/1/2020/12/26/wto-new.jpg

Tiềm năng dài hạn của thị trường logistics Việt Nam được hỗ trợ khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đầu tư hơn nữa vào công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thương mại điện tử. Trong bối cảnh này, nếu doanh nghiệp (DN) Việt Nam không nhanh nhạy, “miếng bánh” thị phần sẽ rơi vào DN nước ngoài.

Thị phần thấp

Mới đây, LOGOS – công ty bất động sản của Australia – công bố đã lập liên doanh với một nhà đầu tư quốc tế nhằm thâm nhập và phát triển các cơ sở logistics tại thị trường Việt Nam. Với quy mô vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 350 triệu USD, LOGOS Vietnam Logistics Venture sẽ phát triển các dự án tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Theo DN này, việc chuyển đến Việt Nam là bước quan trọng trong chiến lược tăng trưởng khu vực của DN.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cao cấp Học viện Tài chính – đánh giá, việc DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực logistics của Việt Nam đã được đề cập thường xuyên trong vài năm trở lại đây. Trên thực tế, thị trường logistics Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. Tuy nhiên, các DN logistics trong nước thời gian qua phát triển không tương xứng với tốc độ phát triển của lĩnh vực xuất nhập khẩu. “Số đầu DN logistics của Việt Nam chiếm tới hơn 90% nhưng 80% thị phần thuộc DN nước ngoài. Đây là con số đang rất ngược nhau” – ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Nguyên nhân của tình trạng trên do các DN logistics trong nước chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, không có kho chứa hay thiết bị, máy móc để đáp ứng yêu cầu logistics, thời gian tồn tại không lâu. Bên cạnh đó, suy nghĩ và đầu tư chưa tương xứng với bản chất logistics…

Một vấn đề nữa được ông Đinh Trọng Thịnh nhắc đến, chính thói quen mua bán của DN xuất nhập khẩu lại “hạ đo ván” logistics Việt Nam. Các DN sản xuất Việt Nam xuất khẩu hàng với giá FOB (giao hàng tại cảng), nhập khẩu nguyên liệu, mua hàng hóa là mua giá CIF nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tàu biển. Việt Nam cũng đã có chính sách khuyến khích DN bán giá CIF, mua giá FOB để tạo điều kiện cho hãng tàu nội, song phần lớn DN Việt vẫn có xu thế chuộng ngoại, thích thuê nước ngoài lo logistics do họ có sẵn máy móc, phương tiện, công cụ, kinh nghiệm tốt hơn. “Các đơn hàng lớn chủ yếu rơi vào các DN nước ngoài, các DN Việt đã nhỏ bé, muốn lớn cũng không dễ”- ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Liên kết để phát triển

Theo thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 – 16%, với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm. Đáng buồn là, hơn 35 tỷ USD trong số đó đã thuộc về các DN ngoại.

Trong bối cảnh này, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu chúng ta để các DN logistics “tự bơi”, sẽ khó có được ngành công nghiệp logistics hiện đại. Để khối DN nội giữ được miếng bánh thị phần này, cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy. Trước hết, các DN sản xuất lớn cần phải hiểu logistics là bộ phận kéo dài của sản xuất – yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo gia tăng giá trị, chất lượng hàng hóa của DN… Có như vậy, DN mới có sự đầu tư lâu dài, họ có thể tự mình đầu tư vào hệ thống logistics riêng hoặc đầu tư cho caác DN logistics Viïåt.

Để cạnh tranh với các DN nước ngoài, DN logistics trong nước trước hết phải liên kết lại với nhau để có được khả năng về vốn, công nghệ, thiết bị hợp lý. DN logistics Việt cũng có thể liên kết với DN ngoại cũng là một cách để cạnh tranh. Về phía nhà nước, cần tạo điều kiện để ngành logistics trong nước lớn lên bằng các chính sách cho DN tiếp cận được đất đai, cho thuê đất với giá ưu đãi….

Theo Báo Công thương

CÁC THÔNG TIN KHÁC

VĂN PHÒNG TBT CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM 2022

Địa chỉ: số 8 Phạm Hùng, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (04) 37683193

Email: hadt@vinamarine.gov.vn

icon Liên hệ