Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để vượt “rào cản” kỹ thuật các thị trường FTA

28.09.2022

Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để vượt “rào cản” kỹ thuật các thị trường FTA

Xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản kỹ thuật

Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hành xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA, sáng 28/9 Trung tâm Hội nhập quốc tế phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức Hội nghị “Phổ biến các tiêu chuẩn quy định về thực thi cam kết về các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA”.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để vượt “rào cản” kỹ thuật các thị trường FTA
Ông Huỳnh Minh Vũ – Phó Giám đốc Trung Tâm hội nhập quốc tế (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh), phát biểu

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Huỳnh Minh Vũ – Phó Giám đốc Trung Tâm hội nhập quốc tế – khẳng định: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020. Đây là một dấu mốc quan trọng trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.

Theo thống kê 2 năm Hiệp định EVFTA thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt khoảng 83 tỷ USD với tăng trưởng xấp xỉ 15%. Riêng năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam – EU đạt hơn 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 40 tỷ USD, tăng 14,2%. Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang EU khoảng 23,2 tỷ USD.

Riêng lĩnh vực nông – thủy sản, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 3,2 tỷ USD, tăng 11,1% so cùng kỳ 2020. Ông Huỳnh Minh Vũ nhìn nhận, Hiệp định EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại Việt Nam đang thực thi đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực đối với doanh nghiệp, tạo ra tác động tích cực cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để vượt “rào cản” kỹ thuật các thị trường FTA
Hội nghị thu hút sự quan tâm tham dự của các Sở, ban ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, hội ngành hàng của TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, năm 2022, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, UKVFTA) đang được thực thi, hàng rào thuế quan sẽ dần dỡ bỏ, các quốc gia nhập khẩu có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản phi thuế quan (NTM) như là công cụ hợp pháp để bảo vệ thị trường trong nước.

Trong đó, các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch dịch động thực vật (SPS) hay các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) thường được xem là những “rào cản” cho các quốc gia xuất khẩu. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế nước ta giai đoạn 2021 – 2035, giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

“Rào cản” kỹ thuật – thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững

Ông Trịnh Bá Cường – Tổng thư ký Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) – cho biết: TP. Hồ Chí Minh hiện là nơi tập trung số lượng lớn nhất cả nước các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, ở tất cả các loại hình quản lý với mức độ tập trung các mặt hàng sản phẩm đạt trên 70%. Nhiều sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp thành viên hội đang là sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh, là nguyên liệu đầu vào chính để các doanh nghiệp tại các tỉnh thành trong cả nước sản xuất, chế biến.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để vượt “rào cản” kỹ thuật các thị trường FTA
Ông Trịnh Bá Cường – Tổng thư ký Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia ký kết hợp tác với nhiều khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, UKVFTA, RCEP…. điều này sẽ là động lực lớn thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường này sẽ tiếp tục khởi sắc, rộng mở cơ hội để các doanh nghiệp ngày càng ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm của thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Bá Cường, hiện nay việc các nước đặt ra các yêu cầu kỹ thuật, quy định về SPS, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) rất khắt khe. Đây chính là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến, nhất là các thị trường yêu cầu rất cao như thị trường EU.

Thực tế, thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định đã bị Liên minh châu Âu (EU) thu hồi hoặc cảnh báo. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chúng ta không đáp ứng được những yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS). Theo đó sản phẩm của chúng ta không thể đi được vào các thị trường đối tác hoặc nếu có thể đi vào thì sẽ bị ngăn chặn do không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có thể bị trả lại, tiêu hủy, gây ra nhiều tổn thất cho doanh nghiệp lẫn hệ thống sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để vượt “rào cản” kỹ thuật các thị trường FTA
Ông Cao Xuân Quân – Giám đốc Văn phòng Thông báo Hỏi đáp về Hàng rào kỹ thuật trong Thương mại (TBT) Việt Nam

Do đó, doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ các yêu cầu này và chỉ cần đáp ứng được thì sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang các thị trường này. Một khi đã xuất khẩu được vào EU – một thị trường có yêu cầu cao, qua đó tạo sự lan tỏa và dễ dàng xuất khẩu vào các thị trường khác.

Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hành xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA, tại hội nghị ông Lê Thanh Hòa – Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) đã chia sẻ các các cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA; lưu ý cho doanh nghiệp ngành hàng nông thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường EU; hướng dẫn doanh nghiệp theo dõi, cập nhật các thông báo, quy định SPS trong hoạt động xuất khẩu.

Bà Phan Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung Tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn) cũng đã cập nhật các tiêu chuẩn, quy định cuat thị trường EU với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật; những lưu ý về an toàn thực phẩm với sản phẩm nhập khẩu…

Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để vượt “rào cản” kỹ thuật các thị trường FTA
Ông Lê Thanh Hòa – Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS), chia sẻ các các cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA tại hội nghị

Về quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm nông thủy sản cuat thị trường EU và một số thị trường trọng điểm Việt Nam có FTA, ông Cao Xuân Quân – Giám đốc Văn phòng Thông báo Hỏi đáp về Hàng rào kỹ thuật trong Thương mại (TBT) Việt Nam (Bộ Khoa học Công nghệ) cũng cập nhật các quy định về nhãn mác, bao bì, đóng gói; hướng dẫn doanh nghiệp theo dõi cập nhật các thông báo, quy định TBT trong hoạt động xuất khẩu…

Ngoài ra, các diễn giả tại hội nghị còn lưu ý với doanh nghiệp các xu hướng mới trong tiêu dùng của thị trường EU liên quan kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường…, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, chuẩn bị và có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp đáp ứng các xu hướng này.

Tại phiên thảo luận, với sự tham gia của các diễn giả đến từ Văn phòng SPS Việt Nam, Văn phòng TBT Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, các doanh nghiệp và các đại biểu tham dự, Hội nghị đã giúp tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua việc giải đáp những tình huống thực tế mà một số doanh nghiệp đang gặp phải khi có nhu cầu tìm hiểu và xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên EU.

Theo Congthuong.vn

CÁC THÔNG TIN KHÁC