Thách thức xuất khẩu những tháng cuối năm

03.11.2022

Thách thức xuất khẩu những tháng cuối năm

Trong những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp dự báo tình hình xuất khẩu vẫn có nhiều khả quan và sẽ tăng đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát, suy thoái kinh tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm sẽ gây bất lợi đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam…

Dù có cơ hội song xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm gặp nhiều thách thức.
Dù có cơ hội song xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm gặp nhiều thách thức.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đã đạt xuất siêu 6,5 tỷ USD. Đóng góp vào mức xuất siêu này là do kim ngạch xuất khẩu đã có sự phục hồi cao với giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2022 đạt 282,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng ở mức thấp hơn đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu đã đưa cân đối thương mại 9 tháng năm 2022 đạt xuất siêu 6,5 tỷ USD và đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 3,4 tỷ USD).

9 THÁNG XUẤT SIÊU 6,5 TỶ USD

Để có được con số xuất siêu 6,5 tỷ USD trong 9 tháng, ngoài những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng cao như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (4,5 tỷ USD, tăng 38,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (34 tỷ USD, tăng 29,8%); điện tử, máy tính và linh kiện (41,7 tỷ USD, tăng 13,3%)…, còn nổi lên sự đóng góp của các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh như Thủy sản (8,5 tỷ USD, tăng 38,0%); cà phê (3 tỷ USD, tăng 37,6%); hàng dệt may (29,1 tỷ USD, tăng 24,3%); giày dép (18,1 tỷ USD, tăng 36,6%).

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê.

“Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguồn và giá nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu của thế giới, quy mô nền kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Do vậy, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, tỷ giá đồng USD tăng cao, đồng thời lạm phát và suy thoái kinh tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ gây ra nhiều tác động làm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, gây bất lợi đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam”.

 

Trong những năm gần đây, các mặt hàng này luôn đạt mức tăng trưởng thấp hoặc tăng trưởng âm. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của những nhóm hàng này trong 9 tháng năm 2022 cho thấy hàng hóa của Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế đang có dấu hiệu gia tăng tại nhiều quốc gia, đồng thời cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu theo hướng tốt đối với các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh.

Những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu dự báo tình hình xuất khẩu vẫn có nhiều khả quan và sẽ tăng đơn hàng xuất khẩu mới. Nếu thực trạng xuất siêu hàng hóa đến thời điểm 9 tháng năm 2022 tiếp tục giữ vững đến cuối năm sẽ giúp Việt Nam tăng cường dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc là thị trường có thương mại hai chiều lớn nhất của Việt Nam, trong đó xuất khẩu trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,3 tỷ USD, chỉ tăng 3,8% (tương đương 1,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do quốc gia này vẫn áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở mức độ cao (Zero-Covid), dẫn tới nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, tác động tiêu cực đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam…

Theo vneconomy.vn

CÁC THÔNG TIN KHÁC