Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu nâng hạng chỉ số hạ tầng lên 3 bậc, quyết liệt gỡ “rào cản” kinh doanh

28.01.2022

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu nâng hạng chỉ số hạ tầng lên 3 bậc, quyết liệt gỡ “rào cản” kinh doanh

Bộ Giao thông vận tải sẽ mạnh tay bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, phấn đấu nâng hạng nhóm chỉ số hạ tầng lên 2-3 bậc… để “tăng tốc” cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu nâng hạng chỉ số hạ tầng lên 2-3 bậc, theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu nâng hạng chỉ số hạ tầng lên 2-3 bậc, theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa ký Quyết định số 120 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Kế hoạch nhằm tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải trong cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hài hòa, hợp lý giữa các phương thức vận tải. Ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ của cách mạng khoa học công nghệ vào dịch vụ vận tải, logistics, nghiên cứu phát triển phương thức vận tải tiến tiến.

Nhờ đó, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics được nâng cao, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách.

Từ đó, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đồng thời, thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, kế hoạch đặt ra 4 mục tiêu cụ thể.

Một là, nâng xếp hạng nhóm chỉ số hạ tầng lên 2-3 bậc, theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Hai là, thực thi đầy đủ trách nhiệm được phân công về kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ba là, bảo đảm 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bốn là, tối thiểu 01 lần/quý, tổ chức đối thoại, gặp mặt, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải về nhũng khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị.

Để hiện thực hoá 4 mục tiêu trên, Bộ Giao thông vận tải sẽ tích cực cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh. Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan, hoàn thành trong năm 2023.

Tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.

Nguồn: Bộ Giao thông vận tải.
Nguồn: Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững. “Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Các Cục, Tổng cục căn cứ Kế hoạch này để xây dựng Chương trình hành động chi tiết thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm đạt được yêu cầu về chất lượng, tiến độ thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện, hoàn thành trước ngày 15/02/2022.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, trước ngày 01/6 và trước ngày 01/12/2022, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện 6 tháng và một năm gửi Bộ Giao thông vận tải, qua Vụ Vận tải.

Theo: Economy

CÁC THÔNG TIN KHÁC