CƠ HỘI LỚN CHO XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT VÀO TRUNG QUỐC
Trong 10 năm trở lại đây Trung Quốc nổi lên là thị trường chuyên về nhập khẩu thủy sản thay vì chuyên về xuất khẩu như trước đây. Trong giai đoạn 2013-2017, nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản vào Trung Quốc đạt hơn 8 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nếu biết khai thác đẩy mạnh xuất khẩu vào nước này. Thị trường lớn cho thủy sản Việt Tại hội thảo xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) BSA tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28/3, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc khoảng hơn 3 triệu tấn/năm chưa kể nguồn nuôi trồng khai thác rất lớn ở trong nước. Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về sản lượng nuôi tôm nhưng cũng chỉ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Cũng theo ông Trương Đình Hòe, xu hướng của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đang tăng nhu cầu đối với thuỷ sản nhập khẩu do lo ngại về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng sản phẩm nước ngoài và khai thác tự nhiên. Đặc biệt sẵn sàng bỏ tiền ra mua đối với các sản phẩm đã được thị trường Mỹ và châu Âu chấp nhận. Điển hình như sản phẩm cá tra Việt Nam từ ngày vào Mỹ đã tăng mức tiêu thụ tại Trung Quốc. Theo thống kê của Tổ chức thương mại toàn cầu, Việt Nam nằm trong top 10, chiếm thị phần 3% xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,2-1,3 tỷ USD đứng thứ 3 về nguồn cung vào thị trường Trung Quốc trong đó chủ yếu là xuất khẩu biên mậu. Các sản phẩm Việt Nam tại Trung Quốc chiếm thị phần lớn là tôm và cá tra. Trong đó, tôm sú chiếm tỉ trọng cao và luôn tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây, có năm đạt mức tăng 50% so với năm trước. Cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch Mặc dù thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn song yêu cầu về chất lượng và các tiêu chuẩn cũng ngày một khắt khe, kéo theo lượng xuất khẩu của ngành thủy sản sang nước này có xu hướng sụt giảm, nhất là xuất qua đường biên mậu và đòi hỏi các DN phải tăng cường nâng cao chất lượng để xuất chính ngạch. Theo các DN, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua đường biển hiện đang rất thuận lợi bởi chi phí rẻ. So với xuất khẩu qua đường tiểu ngạch bằng đường bộ, xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển giúp các DN hạn chế rủi ro về thanh toán, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm được chi phí. Bên cạnh việc tự mình nỗ lực đảm bảo các yêu cầu chất lượng, nhiều DN thủy sản cho rằng, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt hoạt động xuất khẩu biên mậu, đặc biệt là chứng thư xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều của hàng xuất khẩu vào Trung Quốc, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các DN và hình ảnh sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các DN thông qua việc phối hợp tốt với Chính phủ Trung Quốc trong việc cập nhật danh mục các sản phẩm được phép xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.
Theo congthuong.vn