Cuộc họp không chính thức về Rà soát thực thi Hiệp định TBT của WTO
Ủy ban TBT của WTO đã tổ chức phiên họp thảo luận về các đề xuất liên quan tới Rà soát 3 năm một lần lần thứ 9 việc thực thi Hiệp định TBT.
Tại phiên họp này các nước đã trình bày đề xuất của mình nhằm thúc đẩy hoạt động thực thi Hiệp định TBT của WTO, đặc biệt liên quan tới các nghĩa vụ về minh bạch hóa, đánh giá sự phù hợp, các sáng kiến đề xuất liên quan tới sản phẩm số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và siêu nhỏ…
Về minh bạch hóa, EU đã đưa ra đề xuất liên quan tới Hướng dẫn thực hành tốt về đối tượng sản phẩm áp dụng trong thông báo và điều phối trong nước cùng với việc sử dụng Hệ thống cảnh báo toàn cầu Eping.
Cụ thể, EU đã đề xuất xây dựng các nội dung chính cho hướng dẫn thực hành tốt về làm như thế nào để tăng cường phạm vi áp dụng sản phẩm trong thông báo và chuẩn bị ý kiến góp ý; mở rộng phạm vi và chức năng của ePing; khuyến khích trao đổi kinh nghiệm về thực hành tốt trong điều phối trong nước và mối liên hệ giữa các cơ quan lập pháp và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đề xuất của EU, Thụy Sỹ và Singapore đã ủng hộ đề xuất và nhấn mạnh việc ủng hộ tăng cường nền tảng ePing nhằm nâng cao tính minh bạch và công tác của Ủy ban TBT.
Về việc xem xét các ý kiến góp ý, Brazil đã đề xuất việc tiếp thu ý kiến góp ý của các nước Thành viên cần thông báo cho các Thành viên WTO khác giải thích về việc các đề xuất và góp ý đã được tiếp thu như thế nào trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc thủ tục đánh giá sự phù hợp cuối cùng.
Brazil cũng đưa ra đề xuất khuyến khích các nước Thành viên cung cấp thêm thông tin về mục tiêu hợp pháp trong biện pháp được thông báo. Về đề xuất này, Singapore lưu ý rằng các nước Thành viên có nhiều cách tiếp cận chính sách và vì thế cần phải quan tâm tới năng lực khác nhau giữa các nước.
Brazil đồng thời đưa ra dự thảo bổ sung vào tính năng “Fllow this Notification” – Tìm hiểu thông báo này của ePing, giúp cho phép người sử dụng nhận email cảnh báo liên quan tới những thông báo bổ sung được lựa chọn riêng và tính năng “Follow this STC” – Tìm hiểu quan ngại thương mại này của TBT IMS cho phép các bên quan tâm tiếp cận kịp thời những thay đổi liên quan tới STC.
Về minh bạch ý kiến góp ý mà chính phủ các nước nhận được, Brazil đã đề xuất cần phải tăng cường minh bạch vấn đề này.
Thụy Sỹ, Singapore và New Zealand đã ủng hộ đề xuất.
Thụy Sỹ và New Zealand cho rằng việc công khai các ý kiến góp ý và trả lời ý kiến góp ý sẽ đóng góp hiệu quả cho hoạt động của Ủy ban TBT, mục đích của việc minh bạch này có thể đạt được nếu trao đổi thông tin được thực hiện qua một nền tảng chung ví dụ ePing.
Nền tảng ePing đã cho phép hình thức phản hồi này giữa các nước Thành viên.
Về bản dịch các biện pháp TBT, Philippines đề xuất rằng khi một nước Thành viên dịch bất kỳ một biện pháp được thông báo nào sang các ngôn ngữ chính thức của WTO phải thông báo ngay về bản dịch đó thông qua ePing.
EU ủng hộ đề xuất của Philippines và cho rằng vấn đề bản dịch biện pháp TBT là một vấn đề cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.
Về đánh giá sự phù hợp, EU đã đưa ra đề xuất liên quan tới xây dựng các nguyên tắc chung về thực hành tốt trong đánh giá sự phù hợp và một số yếu tố thực tiễn làm như thế nào để quy trình đánh giá sự phù hợp được thiết kế bởi các cơ quan lập pháp.
Cũng liên quan tới thủ tục đánh giá sự phù hợp, Canada đề xuất tổ chức một hội thảo chủ đề tập trung vào các vấn đề hiện nay và thực hành tốt liên quan tới đánh giá sự phù hợp đối với hàng hóa và dịch vụ trong thương mại điện tử.
Về bài học trong cuộc khủng hoảng COVID-19, EU đã đề xuất các bài học rút ra được trong suốt đại dịch COVID-19. Đề xuất này đưa ra các thực hành tốt về những vấn đề chính trong đánh giá sự phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại đối với một số sản phẩm thiết yếu; hợp tác quản lý quốc tế.
Về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, Canada đề xuất tổ chức hội thảo chuyên đề chia sẻ thông tin, thực hành tốt và sáng kiển cải tiến liên quan tới quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và thủ tục đánh giá sự phù hợp giúp tăng cường mục tiêu môi trường và đóng góp giải quyết biến đổi khí hậu, nhằm đóng góp cho mục tiêu của Hiệp định Paris trong khi ít hạn chế thương mại.
Về sản phẩm số, Canada đề xuất tổ chức hội thảo chuyên đề tập trung vào các tác động mà hàng rào kỹ thuật đối với thương mại có thể tác động lên sản phẩm số và làm thế nào để giảm thiểu các tác động này.
Về doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, Canada cũng đề xuất tổ chức hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm quốc gia về hợp tác với các doanh nghiệp MSMEs nhằm đảm bảo rằng những doanh nghiệp này nhận thức được và có thể kết nối với các thông tin kỹ thuật cần thiết hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài.