Tham gia Hội đồng IMO-Nhóm C nâng tầm vị thế hàng hải Việt Nam

09.09.2020

Tham gia Hội đồng IMO-Nhóm C nâng tầm vị thế hàng hải Việt Nam

/media/uploaded/1/2020/12/26/wto-new.jpg

Việt Nam là quốc gia có biển, có vị trí quan trọng trên tuyến hành hải quốc tế, có nhiều hoạt động giao thông trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Do đó Việt Nam cần tham gia và đóng góp tích cực vào hoạt động chuyên môn của các tổ chức quốc tế nói chung và hoạt động phát triển hàng hải tại khu vực nói riêng. Chính vì vậy, việc tranh cử Hội đồng IMO – Nhóm C là một hoạt động cần thiết để phát huy hết vai trò và tiềm năng quốc gia biển.

Nâng tầm vị thế của Việt Nam

Theo Văn phòng IMO Việt Nam, Việt Nam có chiều dài bờ biển 3.260km, dọc theo bờ biển có vị trí tự nhiên thuận lợi cho sự hình thành hệ thống cảng biển từ Bắc vào Nam. Việt Nam còn ở vị trí rất gần với các tuyến hành hải quốc tế, lại nằm trong một khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và thị trường vận tải biển rất sôi động. Do vậy, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mối quan hệ thương mại với thế giới và khu vực, đặc biệt là các khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về địa lý, về cơ sở pháp lý, trong những năm qua, Việt Nam đã chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia liên quan đến lĩnh vực hàng hải như Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi 2015 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật. Bộ luật Hàng hải Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng áp dụng đa dạng, các chế định được vận dụng trên cơ sở quy định của luật pháp và thông lệ hàng hải quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững của các hoạt động hàng hải Việt Nam.

Đồng thời, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa chính sách hàng hải với pháp luật hàng hải và để phát huy hiệu lực áp dụng của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chi tiết phát triển 06 nhóm cảng biển, Đề án phát triển bảo đảm hàng hải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, ngành Hàng hải đóng vai trò quan trọng, trong đó cảng biển là hạt nhân phát triển, là đầu mối tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và lưu thông tới mọi miền đất nước. Vận tải biển hiện đảm nhiệm tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần hàng hóa tới các vùng miền, là huyết mạch chính trong hệ thống vận chuyển, phân phối hàng hóa của nền kinh tế.

Đại diện Văn phòng IMO Việt Nam cho biết với những điều kiện thuận lợi từ địa lý tự nhiên đến hệ thống pháp lý hiện nay, việc tranh cử tham gia Hội đồng IMO – Nhóm C là một phần không thể thiếu trong chương trình hành động trong thời gian tới của Việt Nam, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện trong các chương trình phát triển kinh tế biển nói chung và phát triển hệ thống giao thông vận tải đường biển, hệ thống cảng biển nói riêng. Ngoài ra, khi tranh cử thành công, uy tín và vai trò của Việt Nam trong cộng đồng hàng hải thế giới và khu vực được nâng cao. Thông qua Hội đồng IMO, Việt Nam có cơ hội đề xuất ý kiến của mình và tham gia phê duyệt các chương trình, nội dung làm việc và ngân sách của IMO, gây ảnh hưởng đến các chính sách quan trọng của IMO.

“Khi trở thành thành viên nhóm C của Hội đồng IMO, Việt Nam sẽ được các thành viên khác trong IMO coi trọng và tín nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng hàng hải quốc tế. Qua đó, Việt Nam sẽ đạt được vị thế mới, có tầm ảnh hưởng và tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn quốc tế về hàng hải nói riêng và các diễn đàn quốc tế khác”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Một số vấn đề đặt ra

Với vị trí địa lý chiến lược và xác định được kinh tế biển là động lực cho sự phát triển chủ yếu của đất nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho kinh tế biển sự quan tâm đặc biệt, nhiều quyết sách đầu tư, phát triển được phê duyệt, hệ thống cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển được đầu tư trọng điểm và có được sự tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế cho thấy khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam còn khá hạn chế, mới chỉ khai thác được một phần tiềm năng vùng biển quốc gia mà chưa vươn ra được các vùng biển quốc tế.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là cơ cấu đầu tư chưa thực sự hợp lý, phần lớn mới chỉ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị mà chưa chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực một cách tương xứng. Việc thiếu quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ làm giảm hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có mà còn cản trở khả năng đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn nêu trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngoài ra, theo Văn phòng IMO Việt Nam, sự đóng góp của Việt Nam trong IMO, trong khu vực và trên thế giới đối với lĩnh vực hàng hải còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò và hình ảnh của mình. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong các công tác chung như phòng chống ô nhiễm môi trường biển, an toàn an ninh hàng hải, phòng chống cướp biển…Trong khi đó, các quốc gia thành viên IMO khác trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á đã có những đóng góp đáng kể, có uy tín nhất định đối với các quốc gia thành viên khác, từ đó dễ dàng vận động các quốc gia này bỏ phiếu ủng hộ khi tranh cử.

Ngoài những hạn chế mang tính chủ quan, Việt Nam gặp khó khăn khách quan khi tranh cử vào Hội đồng IMO – Nhóm C đó là việc phải cạnh tranh với các quốc gia thành viên có nhiều thế mạnh khác trong khu vực Đông Nam Á. Với số lượng hạn chế, Nhóm C chỉ gồm 20 quốc gia và là đại diện cho tất cả các khu vực địa lý trên thế giới, việc bầu cử vào Nhóm C được tiến hành trên cơ sở tranh cử (cạnh tranh) theo nhiệm kỳ 2 năm/lần. Trong khu vực Đông Nam Á, trong các nhiệm kỳ vừa qua có 05 quốc gia trở thành thành viên của Hội đồng IMO – Nhóm C là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Theo Tạp chí GTVT

CÁC THÔNG TIN KHÁC

VĂN PHÒNG TBT CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM 2022

Địa chỉ: số 8 Phạm Hùng, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (04) 37683193

Email: hadt@vinamarine.gov.vn

icon Liên hệ